VU LAN THIÊNG LIÊNG

VU LAN THIÊNG LIÊNG
Ngày đăng: 17/08/2023 Lượt xem: 594

Vu lan bồn pháp Phật truyền

Là con hiểu thảo gắng siêng thực hành

Hằng năm, cứ mỗi độ hè về, ngoài sân chùa vắng của Đạo tràng Minh Trần, thi thoảng có những làn gió nhẹ lướt qua làm lay động những chiếc lá vàng rơi lát đát, những giọt mưa rơi lất phất thẩm lạnh, bầu trời u tịch như báo hiệu một mùa Vu Lan nữa lại về, khiến tấc lòng những người con Phật khắp năm châu bốn bể thao thức chạnh lòng nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha và mẹ. Cha và mẹ đã tạo cho chúng con hình hài vóc dáng, thành nhân chi mỹ ngày hôm nay.

Vu lan hay Vu - lan - bồn dịch từ chữ Ullambana trong tiếng Phạn

Vu lan chữ Hán: 盂蘭 là từ viết tắt của Vu-lan-bồn 盂蘭盆 , có khi dịch là Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏), là cách phiên âm Phạn-Hán từ danh từ ullambana.

Chữ Ullambana có gốc từ động từ ud-√lamb, nghĩa là treo ngược lên. Vì vậy một số vị sư Trung Quốc cũng dịch  chữ Vu Lan là Đảo huyền (倒懸), "treo ngược lên" , (hoặc dùng từ Giải đảo huyền 解倒懸) là dịch ý theo mục đích của Kinh Vu-lan-bồn.

 Thật ra, từ Giải đảo huyền được các đại sư Trung Quốc lấy ý từ câu: Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã trong Mạnh Tử, chương 3 Công Tôn Sửu Thượng, chỉ sự giải thoát khỏi địa ngục cho những kẻ khổ sở tột cùng.

Tóm lại chữ Ullambana, Vu lan hay Vu lan bồn có nghĩa là cứu cái khổ bị treo ngược (trong địa ngục)

Nói đến Vu Lan là nói về hai đấng sinh thành đã mang nặng đẻ đau, chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, chịu đắng nuốt cay, tận tụy hi sinh cả cuộc đời mình, thức hôm dậy sớm, dãi nắng dầm sương lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ để nuôi nấng, dạy dỗ chúng con nên người. Công ơn sanh thành dưỡng dục ấy tựa như trời cao biển lớn khó thể đáp đền. Cho nên ca dao Việt Nam có câu:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Chính vì thế, ở nước ta, từ xa xưa, tháng bảy mùa Vu Lan báo hiếu, tiết Trung Nguyên, kỳ xá tội vong nhân Rằm tháng bảy âm lịch đã trở thành nét đẹp văn hóa không chỉ của Phật giáo, mà còn của cả dân tộc Việt Nam

Lễ hội Vu lan xuất phát từ văn hóa Phật giáo, được ghi lại trong kinh Vu Lan. Theo kinh Vu Lan, Lễ Vu Lan phát xuất từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy pháp báo hiếu cha mẹ ở đời này và tổ tiên ông bà cha mẹ nhiều đời trước. Trực tiếp là Đại hiếu Mục Kiền Liên - một trong mười vị đệ tử lớn của Đức Phật.

Kinh Vu Lan ghi lại: ngày xưa, khi ngài Mục Kiền Liên tu hành chứng quả A La Hán, đầy đủ lục thông tưởng nhớ mẹ mình, đã dùng huệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong lục đạo, liền thấy mẹ mình - bà Thanh Đề đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát khổ sở vô cùng. Ngài liền dùng thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng cơm cho bà mẹ của mình. Nhưng bà Thanh Đề tham sân che phủ, ác nghiệp nặng nề nên khi bốc cơm đưa vào miệng thì bà thấy cơm biến thành lửa không thể ăn được. Tôn giả Mục Kiền Liên không có cách nào cứu được mẹ nên Ngài liền quay về thưa hỏi Đức Phật.

Đức Phật chỉ dạy: "Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào thì một mình ông cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ oai lực của chư tăng khắp mười phương, sau ba tháng an cư kiết hạ cùng tập trung tụng kinh chú nguyện mới có thể  giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ.

Tôn giả Mục Kiền Liên vâng lời Đức Phật dạy, cung thỉnh mười phương Tăng, sắm sửa lễ cúng vào ngày Rằm tháng bảy âm lịch. Nhờ đó mẹ của Ngài được giải thoát cảnh khổ được sinh lên cõi trời. Nhân đây, Đức Phật dạy rằng: Tất cả chúng sanh, mọi người ai muốn báo hiếu cho cha mẹ hiện đời cũng như tổ tiên nhiều kiếp thì hãy theo pháp Vu-Lan mà làm. Cốt lõi của pháp Vu Lan báo hiếu là bản thân mình, gia đình mình phải biết quy y Tam Bảo, vâng giữ Năm điều đạo đức ( ngũ giới: không sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu), thực hành Mười pháp lành (Thập thiện), thường hộ trì Phật pháp, sống tử tế lương thiện, luôn giúp đỡ mọi người, hiếu thảo phụ mẫu, kính phụng ông bà tổ tiên không chỉ một đời mà trong nhiều kiếp. Làm được như vậy, không chỉ bản thân, gia đình mình ngày càng an vui hạnh phúc, cuộc sống nâng cao mọi mặt, phúc đức tăng trưởng và góp phần làm cho xã hội, đất nước ngày càng tốt đẹp hơn lên.

 Lễ Vu Lan báo hiếu ra đời từ đó.

Hoà trong niềm hiếu hạnh vô biên ấy trong mùa Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2567, chúng tôi viết mấy dòng chữ này, những mong góp một bông hoa nhỏ vào vườn hoa Phật pháp để kính dâng lên chư Phật trong mười phương, nguyện Phật pháp xương minh, người người hiếu thuận, thế giới hoà bình, nhân sinh an lạc.

Tiết Vu Lan

Rằm tháng bảy

Từ đức cúng dường

Hiếu dưỡng song thân

Cùng làm nhé

Tác giả: TS Thích Nữ Thanh Quế - TT.TS Thích Hạnh Tuệ

Các bài viết khác

Bài viết mới
VU LAN THIÊNG LIÊNG
THƯ MỜI: DỰ LỄ VU LAN BÁO HIẾU
Học bổng khuyến học MInh Trần
Giảng dạy tại Trường Trung Cấp Phật học Tiền Giang
Giảng dạy tại Trường Trung Cấp Phật học Bình Dương
Đi tới facebook
Đi tới google
Đi tới twitter
Đi tới youtobe