Đạo Phật là một trong những tôn giáo có lịch sử lâu đời nhất, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của con người. Sự xuất hiện của đạo Phật cách đây gần 26 thế kỷ là nhu cầu tất yếu của lịch sử Ấn Độ, nhằm đáp ứng lòng khao khát và mong mỏi một lý tưởng sống của con người thời bấy giờ. Đó là một hệ thống tư tưởng và triết học mới về nhân sinh quan và vũ trụ đã được khai mở qua sự chứng ngộ của một con người lịch sử – đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đạo là đạo đức, đạo nghĩa, là trách nhiệm bổn phận trong lý tưởng sống. Đạo còn có ý nghĩa là con đường, cách sống. Phật hay Phật Đà nghĩa là người giác ngộ, người hiểu biết rõ hoàn toàn. Phật là một danh từ chỉ cho những ai chứng đắc hoàn toàn giải thoát bằng chính sự nỗ lực tu tập tự thân, đem giáo lý giải thoát ấy làm lợi ích cho mọi người và giúp họ giác ngộ cũng thành Phật. Người đó là Thế Tôn, người chánh đẳng chánh giác. Phật giáo có những đặc điểm tư tưởng khác biệt với triết lý hầu hết các tôn giáo khác.
Thứ nhất là các tôn giáo khác lấy niềm tin là điều kiện tiên quyết để tạo nên mối quan hệ giữa tín đồ và giáo chủ, đạo Phật thì lấy sự hiểu biết (trí tuệ) làm nền tảng chứ không phải là niềm tin thuần túy. Vì vậy đạo Phật còn biết đến, là con đường tỉnh thức, hay con đường giác ngộ.
Thứ hai là nếu xét đến vai trò của thần linh, chúa trời, thượng đế, giáo chủ… thì đạo Phật là trung tâm của tôn giáo. Thứ ba toàn bộ giáo lý của Phật giáo là thành quả của sự tu tập, thực nghiệm của một con người lịch sử thật sự, mà không phải là lý thuyết thuần túy mặc định siêu hình, tưởng tượng do thánh thần hay thượng đế.
“Hạnh phúc Minh Trần” chúng ta có thể hiểu cụm từ này với ba lớp nghĩa,
Lớp nghĩa thứ nhất: “Hạnh phúc Minh Trần” có nghĩa hạnh phúc mà chúng ta có được là nhờ chúng ta nhìn thấu hồng trần như mộng, cuộc đời như huyễn; thấu rõ bản chất vô thường trần gian; thấu rõ sự thật của cuộc đời, sự thật về con người. Minh Trần có nghĩa là thấu rõ bản chất của hồng trần, của cuộc đời.
Lớp nghĩa thứ hai, Minh là sáng, Trần là bụi trần, là cuộc đời khổ đau. Minh Trần là soi sáng hồng trần, soi sáng cuộc đời bằng ánh sáng màu nhiệm của Phật pháp, góp phần nhỏ làm cho cuộc đời tối tăm khổ đau sáng lên một chút, sáng lên hy vọng.
Lớp nghĩa thứ ba: Minh Trần là góp phần xiển dương tông chỉ “Cư Trần Lạc Đạo” – đạo đời tốt đẹp của Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị Phật hoàng Việt Nam thế kỷ XIII, dùng ánh sáng Phật pháp soi đường cho chúng sinh, giáo hóa nhân dân sống tốt và tu tập mười điều thiện giúp chúng sinh bớt khổ.
* Mười điều thiện là:
- Không được cố tâm giết hại chúng sinh, giết hại người khác;
- Không được trộm cướp tài vật của người dù là tiền vàng châu báu hay cây kim ngọn cỏ;
- Không được làm hạnh xấu lén lút làm việc tà vạy với người khác phái mà không phải vợ hay chồng của mình;
- Không được nói dối trá;
- Không được nói lưỡi hai chiều;
- Không được nói lời thêu dệt thêm bớt;
- Không được nói lời hung ác mắng nhiếc chửi rủa người khác;
- Không tham lam;
- Không sân hận;
- Không si mê.
Phật hoàng Trần Nhân Tông mong muốn giáo hóa con dân Việt Nam có sức mạnh, có đạo đức và có trí tuệ hướng đến như Thích Ca, Di Lặc. Trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo, ông xác quyết: Tích nhân nghì, tu đạo đức ai hay này chẳng Thích Ca Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di Lặc. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã làm cho đạo Phật ở Việt Nam hưng thịnh một thời, xây dựng đất nước Việt Nam lớn mạnh hùng cường, quốc vận Việt Nam thịnh đạt; làm cho nhân dân Việt Nam an cư lạc nghiệp, ấm no hạnh phúc, hiền lành lương thiện, có đức có trí. Tóm lại Minh Trần là làm sáng lại tinh thần của Trần Nhân Tông.